Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11,ândungnhàgiáocủatrườnghọchạnhphúáo giữ nhiệt xin chia sẻ một số suy nghĩ về nghề giáo trong thời đại mới và hành trình xây dựng trường học hạnh phúc do ngành giáo dục đề ra.
Luôn ước mơ
Giáo viên phải luôn ước mơ cho bản thân, hoài bão về con cái, gia đình, ấp ủ sự nghiệp trăm năm. Điều này giúp thầy cô lắng nghe bằng trái tim chân thành, tạo nên tiết dạy học, trải nghiệm hữu ích, giúp học sinh tiến bộ hơn qua từng hoạt động giáo dục. Tan trường, lúc về nhà, giáo viên nên quẳng gánh lo đi, an lành bên người thân.
Tự học, tự học, tự học!
Cuộc sống luôn vận động, chuyển đổi số mạnh mẽ đòi hỏi giáo viên học mọi lúc, mọi nơi. Nhà giáo phải trui rèn năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của chương trình, giúp người học từng bước hoàn thiện mình. Thầy cô phải siêng năng tự học để làm gương cho học sinh.
Chẳng hạn giáo viên dạy vật lý, nếu giỏi toán thì dạy hay hơn nhiều; dạy vật lý nếu có vốn tiếng Anh - bài giảng hấp dẫn; dạy vật lý nếu tìm tòi thêm môn hóa học - bài giảng tích hợp sẽ sâu sắc hơn; dạy vật lý nếu có "chút" thơ văn, thì dẫn nhập, nêu vấn đề - cuốn hút học sinh ngay từ… "vòng gửi xe"... Được thế, học sinh tham gia tiết học ngày càng hạnh phúc và quá trình tự học là hành trình của trường học hạnh phúc.
Đổi mới bài giảng
Người thầy không nên bằng lòng với bài giảng cũ, không dừng lại kiến thức sách giáo khoa; cần tinh thông chương trình môn học, làm mới bài giảng.
Mỗi tiết dạy không thể hấp dẫn từ A đến Z. Tuy nhiên, cần có một, hai chi tiết (trong bài giảng) là "hồn" của sự hợp tác giữa thầy và trò. Chẳng hạn, giáo viên có thể làm mới cách nêu vấn đề, thêm vào câu hỏi hay cho bài toán cũ, một câu chuyện, một trò chơi, câu ca dao, thơ tình học trò, gương hiếu thảo, tình huống bất ngờ… Trường học hạnh phúc nằm trong tầm tay với của thầy cô!
Thấu hiểu học sinh
Nắm hoàn cảnh, tâm tính học sinh lớp mình phụ trách, giáo viên mới có biện pháp đúng, trúng cho từng em. Từ đó, thầy cô có thể giao việc, đặt câu hỏi, khen-chê sao cho học sinh luôn cảm thấy được giáo viên quan tâm và tôn trọng.
Để học sinh luôn tích cực, năng động, tự giác học tập đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ thầy cô. Vì vậy, giáo viên cần gần gũi, lắng nghe học trò như con của mình để lớp học trở thành tổ ấm thứ hai, góc hạnh phúc trong trường học hạnh phúc.
Hợp tác, sẻ chia
Trong sinh hoạt (tổ, nhóm chuyên môn, hội đồng sư phạm) tại trường, thầy cô "hãy ngồi xuống đây", chia sẻ thuận lợi, khó khăn của đồng đội… Giáo viên có thể thẳng thắn, khéo léo trao đổi những vấn đề qua sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt đoàn thể và cả lúc "trà dư tửu hậu".
Vun trồng người thầy, hãy từ tập thể sống vị tha, trung thực, kết đoàn. Mỗi ngày thay đổi, một chút thôi, cứ như vậy, tựa tâm dao động trên mặt hồ phẳng lặng, lan tỏa sóng hạnh phúc đến thầy cô, học sinh, phụ huynh học sinh.
Rèn luyện sức khỏe
Lao động sư phạm vất vả, đòi hỏi thầy cô sức khỏe dồi dào, tinh thần sảng khoái. Tùy điều kiện, hoàn cảnh, sở thích, giáo viên chọn cách thức, chế độ tập luyện và kiên trì thực hiện mỗi ngày. Khỏe là điều kiện cần để thầy cô hạnh phúc, từ đó tích cực tham gia các hoạt động của trường, kiềm chế cảm xúc khi gặp trò chưa ngoan, chan hòa với đồng nghiệp, thân thiện với phụ huynh. Trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc giáo viên rèn sức khỏe tốt!
Tự hào nghề giáo
Dẫu có thăng trầm, đâu đó "đắng chát" chuyện lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan…, nhiều thầy cô vẫn hết lòng vì học trò. Chưa kể, còn có biết bao phụ huynh tâm huyết, nhiều gương sáng hiếu học của trò… dệt tiếp truyền thống cao đẹp - tôn sư trọng đạo. Như một chân lý, đất nước trọn niềm vui khi mỗi nhà giáo có năng lực, trách nhiệm, yêu nghề, yêu người.
Sứ mạng giáo dục cao cả, giáo giới chúng ta có quyền tự hào, điều đó luôn luôn đúng. Lòng tự hào giúp thầy cô vững vàng hành trình xây trường học hạnh phúc.
Thầy cô tự rèn, giáo dục đổi thay, mọi người đồng tình, cả nước chăm lo cho giáo dục, thì sẽ có trường học hạnh phúc.